8 kỹ năng nghề nghiệp nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm ở ứng viên

Lượt xem 528

Ngày nay, khi các doanh nghiệp tiến hành tìm kiếm ứng viên, bên cạnh các yêu cầu về năng lực chuyên môn, các nhà tuyển dụng còn quan tâm đến việc ứng viên có các kỹ năng mềm liên quan để bổ trợ cho vị trí và hạn chế nguồn lực để đào tạo, phát triển.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, người tìm việc nếu muốn tạo lợi thế cạnh tranh cho riêng mình, bạn cần xác định đâu là kỹ năng mềm phù hợp với ngành nghề, rèn luyện các kỹ năng cần thiết giúp phát triển bản thân, chủ động “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.

Dưới đây là một số kỹ năng nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở ứng viên của mình.

1. Kỹ năng giao tiếp

Trong hầu hết các công việc ngày nay, giao tiếp luôn là chìa khóa giúp bạn dễ dàng đạt được thành công hơn. Giao tiếp dưới dạng nói, viết hay phi ngôn ngữ đều quan trọng như nhau, do đó, bạn nên trau dồi khả năng ngôn ngữ, giọng nói, khả năng diễn đạt, cách viết email đúng chính tả, ngữ pháp, cấu trúc hay các dạng phi ngôn ngữ như tác phong, ăn mặc,… đều sẽ được đánh giá cao và bổ trợ cho sự nghiệp của bạn.


 

Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn thành công ở bất kỳ công việc nào

 

2. Kỹ năng làm việc nhóm

Ngày nay, hầu hết các vị trí đều cần phải tương tác, hỗ trợ với các thành viên trong nhóm hoặc có sự cộng tác giữa các bộ phận để hoàn thành nhiệm vụ, dự án một cách tốt hơn. Do đó, kỹ năng làm việc nhóm là cực kỳ quan trọng. Kiểm soát xung đột giữa các thành viên, duy trì động lực nhóm, điều chỉnh bản thân hướng đến các mục tiêu chung,… là những vấn đề mà bạn phải rèn luyện để trở thành một thành viên phù hợp với tổ chức. 

3. Khả năng thích ứng

Ngày nay, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với vô số tác động bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Một nhân viên giỏi sẽ là người có thể thích ứng nhanh chóng với những thay đổi đó, thậm chí, đưa ra giải pháp ứng phó với những thay đổi tiêu cực. Khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và kiểm soát nó sẽ giúp bạn “sáng giá” hơn trong mắt nhà quản lý và được cân nhắc lên các vị trí quan trọng hơn.

4. Kỹ năng tư duy phản biện

Tư duy phản biện hiện nay là “xu thế” tìm kiếm của nhà tuyển dụng, đặc biệt trong những công việc đặc thù, yêu cầu khả năng sáng tạo cao. Tư duy phản biện giúp bạn đào sâu vấn đề, nhìn sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó giúp doanh nghiệp nhìn ra những vấn đề còn tồn đọng, mang lại những giải pháp, sáng kiến mới mẻ. Những ý tưởng thú vị và thực tế cũng được hình thành từ tư duy phản biện.

5. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Đây là kỹ năng rất quan trọng, tuy nhiên, nó hình thành trên nền tảng kinh nghiệm cá nhân và những đúc kết sau khi trải nghiệm. Giải quyết vấn đề là khả năng đánh giá vấn đề và tìm cách khắc phục nó, có nghĩa là đưa ra các quyết định hợp lý và chín chắn. Những quyết định được đưa ra là phù hợp với mục tiêu cũng như văn hóa của tổ chức, mang lại kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp. Đây là kỹ năng mà ứng viên rất khó để rèn luyện, tuy nhiên, nếu nắm vững kỹ năng này, bạn sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.

6. Khả năng lập kế hoạch, lãnh đạo

Những cá nhân có khả năng tự lập kế hoạch trong công việc thường sẽ có năng suất làm việc vượt trội hơn so với những nhân viên thường làm việc theo cảm tính và tùy hứng. Khả năng lập kế hoạch không chỉ trong công việc mà còn trong sự nghiệp của bản thân. “Bạn có kế hoạch/ mục tiêu/ dự định như thế nào trong 3 năm/ 5 năm/ 10 năm tới?” – là câu hỏi rất thường gặp trong phỏng vấn. Điều này để đánh giá ứng viên có khả năng chủ động và mục tiêu rõ ràng trong sự nghiệp lẫn cuộc sống của mình hay không. Một nhân viên sống có mục tiêu và mong muốn của bản thân sẽ là một nhân viên luôn có động lực và trở thành nguồn cảm hứng cho các nhân viên khác.

 


 

Khả năng lập kế hoạch giúp bạn chủ động kiểm soát công việc và làm việc năng suất hơn

 

Khả năng lãnh đạo bao hàm cả kỹ năng lập kế hoạch. Khả năng lãnh đạo bao gồm rất nhiều kỹ năng khác nhau và đôi khi phải có môi trường để cho nhân viên thể hiện tinh thần lãnh đạo. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt các công việc được giao cũng như tổ chức, quản lý các đầu công việc, biết sắp xếp và cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng thể hiện là một người có tinh thần lãnh đạo. Lãnh đạo nghĩa là phải thực hiện tốt những công việc nhỏ trước khi có cái nhìn tổng quan để điều phối các nhiệm vụ, công việc lớn lao hơn.

7. Khả năng tự học và cầu tiến

Bất kỳ tổ chức nào cũng mong muốn nhân viên của mình là người có tinh thần cầu tiến và không ngừng học hỏi. Việc luôn gia tăng năng lực của bản thân sẽ giúp tổ chức tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và chi phí cũng như ngày càng phát triển. Một công ty vững mạnh được xây dựng từ một đội ngũ nhân sự giỏi và đầy tiềm năng.

8. Thái độ làm việc

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thái độ luôn là một điểm mà nhà doanh nghiệp luôn quan tâm. Một thái độ tốt luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn là năng lực hay nghiệp vụ. Thái độ của nhân viên tốt sẽ xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và văn minh. Do đó, doanh nghiệp luôn cố gắng tìm kiếm và giữ chân các nhân sự có thái độ tích cực và phù hợp nhất với tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ những cá nhân phù hợp.

 

Trên đây là một số kỹ năng nghề nghiệp được quan tâm nhất hiện nay, tùy thuộc vào các ngành nghề khác nhau mà sẽ có những yêu cầu khác nhau. Do đó, ứng viên nên chọn lọc và rèn luyện các kỹ năng phù hợp với nghề nghiệp mà mình theo đuổi để mang lại hiệu quả cao nhất cho sự nghiệp của bản thân.